VẤN ĐỀ 1: “Hiện tượng mưa axit” là gì ? Tác hại như thế nào ?
Khí thải công nghiệp và khí thải của các động cơ đốt trong ( ô tô, xe máy) có chứa các khí SO2, NO, NO2,…Các khí này tác dụng với oxi O2 và hơi nước trong không khí nhờ xúc tác oxit kim loại ( có trong khói, bụi nhà máy) hoặc ozon tạo ra axit sunfuric H2SO4 và axit nitric HNO3.
2SO2 + O2 + 2H2O → 2H2SO4
2NO + O2 → 2NO2
4NO2 + O2 + 2H2O → 4HNO3
Axit H2SO4 và HNO3 tan vào nước mưa tạo ra mưa axit. Vai trò chính của mưa axit là H2SO4 còn HNO3 đóng vai trò thứ hai.
Hiện nay mưa axit là nguồn ô nhiễm chính ở một số nơi trên thế giới.
Mưa axit làm mùa màng thất thu và phá hủy các công trình xây dựng, các tượng đài làm từ đá cẩm thạch, đá vôi, đá phiến ( các loại đá này thành phần chính là CaCO3):
CaCO3 + H2SO4 → CaSO4 + CO2↑ + H2O
CaCO3 + 2HNO3 → Ca(NO3)2 + CO2↑ + H2O
Áp dụng: Ngày nay hiện tượng mưa axit và những tác hại của nó đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở những nước công nghiệp phát triển. Vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được cả thế giới quan tâm. Việt Nam chúng ta đang rất chú trọng đến vấn đề này. Do vậy mà giáo viên phải cung cấp cho học sinh những hiểu biết về hiện tượng mưa axit cũng như tác hại của nó nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cụ thể giáo viên có thể đặt câu hỏi trên cho học sinh trả lời sau khi dạy xong phần Sản xuất axit sunfuric trong bài “Axit sunfuric. Muối sunfat”(Tiết 55-56 lớp 10 CB) hoặc áp dụng trong bài“Axit nitric” (tiết 14-15 lớp 11CB).